KIÊU HÃNH VÀ ĐỊNH KIẾN.

Một bài viết của NAL

Đôi lúc tôi đã nghĩ mình là kẻ điên khùng hết mức, điên khùng đến độ bỏ ra gần 12 giờ đồng hồ từ đọc một quyển sách mà đáng ra tôi có thể nhấm nháp niềm vui ấy trong nhiều ngày. Nếu biết nín nhịn và tiết chế niềm đam mê của mình có lẽ cái sự sung sướng của việc thưởng thức một quyển tiểu thuyết đặc sắc có thể kéo dài hơn. Đấy là quyển "Kiêu hãnh và định kiến" của Jane Austen – một tác giả ở thế kỷ 19.

e0fa

Tôi nẩy ra ý định đọc quyển sách này vào tuần trước với hai lý do. Lý do thứ nhất là tôi vừa tình cờ xem được chuyển thể điện ảnh của tác phẩm này trên kênh HBO mà tự dưng tò mò muốn biết sự khác nhau giữa tác phẩm gốc và một chuyển thể của nó như thế nào. Theo kinh nghiệm của tôi thì những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học không hay bằng vì ngôn ngữ hình ảnh chỉ có thể để lại ấn tượng tổng thể chứ không để lại ấn tượng sâu sắc bằng cách phân tích chi li tính cách, tâm lý và chuyển đổi vi tế trong tâm tư của từng nhân vật như trong tiểu thuyết. Mặc dù tôi đã xem chính xác tập phim này lần thứ hai (1) và cũng đã từng nghiền ngẫm một bộ phim truyền hình dài tập (2) chuyển thể tương tự với tiết tấu và nhịp độ chậm hơn. Cũng cần nói thêm, đây là lần đầu tiên tôi quyết định đọc hết toàn bộ quyển “Kiêu hãnh và định kiến” dù trước đây tôi đã lõm bõm đọc nhiều đoạn khi đứng xem mê mệt ở các nhà sách hoặc tủ sách của một người bạn nào đó. Lý do thứ hai mà có lẽ là lý do chính đáng hơn, có nhiều động lực hơn là tôi muốn tìm hiểu xem những đổi thay những định kiến và niềm kiêu hãnh của người phụ nữ như thế nào. Chuyện là tôi có quen H. một cô bé thông minh giỏi giang biết tranh luận khi cần phải tranh luận và cũng biết tế nhị vô tư những khi cần thiết. Khi nói chuyện với H. tôi nhận ra nhiều điều, tôi không biết là vì tôi chưa đủ thân thiết hay vì lòng kiêu hãnh của H. hay vì tôi quá định kiến về con người H.

Tôi có bản ebook của quyển sách này, nhưng quả thật tôi thích cái cảm giác lật từng trang sách hơn nên quyết định sẽ mua một quyển. Thật kỳ lạ là ở một thành phố có hơn 6 triệu người như HCM mà khi đi rất nhiều các hiệu sách lớn nhỏ như Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ và cả một dãy dọc khu phố sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn không tìm đâu ra quyển tiểu thuyết nổi tiếng này. Cuối cùng tôi đã dừng chân ở Văn Chương một nhà sách nhỏ ở góc đường Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, tìm ra nó nằm khép nép ở một góc khuất đầy bụi bặm và có được nó với giá giảm những 30% so với giá bìa. Đã lâu lắm rồi tôi mới quyết định sẽ đọc hết một quyển sách dày 600 trang chi chít chữ kể từ khi tôi bỏ ra 3 ngày để đọc cho kỳ hết quyển “Đường xưa mây trắng” của thầy Nhất Hạnh. Tôi có đọc chứ, đọc những quyển tự điển, những quyền sách chuyên ngành toàn công thức dày đặt những bản thống kê, những số liệu đó là những quyển sách liên quan trực tiếp đến cuộc sống. Họa hoằn lắm mới có dịp đọc những quyển được báo này báo nọ khen tặng. Lúc mới đầu tôi còn háo hức để xem tác giả nói gì mà được mọi người ca ngợi, nhưng rồi lần lần tôi nhận ra rằng đó thuần túy chỉ một khâu trong công nghệ lăng-xê mà mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Tất nhiên không phải tất cả số sách mà báo chí khen tặng đều như thế, nhưng khi người ta đã mất niềm tin, và khi người ta đã mang nặng trong lòng định kiến thì thật ra cũng khó mà lay chuyển được. Tôi còn chán nản hơn khi nhiều kẻ rởm đời người đọc thứ sách báo lăng-xê theo trào lưu ấy; khen lấy khen để rồi tự phong cho mình là kẻ “biết thưởng thức cuộc sống” và cho mình có cái quyền chê trách người khác như có người đã từng hỏi tôi: “Anh đã đọc xxx chưa? Nó viết về sex hay lắm đấy, nó mang hơi thở của thời đại, anh không đọc à, tiếc quá nhỉ?”. Tôi không biết rằng cái hơi thở thời đại lại là sex. Thay vì trả lời tôi đã hỏi rằng: “Anh đã đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” chưa?”. Tôi nhận được sự ngạc nhiên trong đôi mắt anh bạn, vì anh không ngờ tôi lại hỏi anh về một tác phẩm xa lắc xa lơ và vì cái tác phẩm ấy trong tâm trí anh còn chưa hiện hữu nữa là và có lẽ “Dế mèn phiêu lưu ký” không mang “hơi thở thời đại’ chăng?

Phải thành thật thú nhận là tôi ít khi đọc tác phẩm văn học nước ngoài, ngoại trừ những tác phẩm quá nổi tiếng mà tôi có dịp tiếp xúc như là quyển “Kiêu hãnh và định kiến” . Không phải tôi chê văn học nước ngoài mà là vì tôi thấy mình còn chưa đọc hết những gì thuộc về “người Việt Nam”. Tôi chưa cảm được hết cái chất dân dã Nam Bộ của Hồ Biểu Chánh, chưa thấm được cái trào lộng chua cay của Vũ Trọng Phụng, chưa nhuần được cái hào hoa tinh tế của Nguyễn Tuân… thì nói gì đến việc đọc những tác giả lớn khác trên thế giới. Tôi thích đọc sách nhưng tôi lại thích tự khám phá về thế giới sách hơn là có một ai đấy giật dây, hướng tôi đi theo một trào lưu, một xu hướng định sẵn. Mà thói thường trong nghệ thuật, trong văn chương, những trào lưu chạy theo thị hiếu thỏa mãn thị dục thường bạo phát bạo tàn bởi vì xuất phát từ cái áo phù phiếm bên ngoài che đậy một tâm hồn tầm thường rỗng tuếch. Người ta sẽ lạ khi đọc những tác phẩm với câu chữ khó hiểu với những ý tưởng gây sốc, hoặc những tiểu xảo lăng-xê, nhưng với thời gian sự thật được trả lại cho lịch sử. Chỉ những tác phẩm tâm huyết được gọt giũa tinh tế và xuất phát từ một nội tâm phong phú sâu sắc mới trường tồn với thời gian. Mà thường những tác phẩm ấy rất đơn giản, nhiều khi đơn giản đến xấu xí và thô kệch buồn cười bởi vì bản chất của sự đơn giản là tư duy sâu sắc.

Đọc cũng như ăn, văn học nghệ thuật là thức ăn của tâm hồn, nếu chỉ mãi đọc những gì người ta lăng-xê thì cũng giống như mình ăn tất những thứ gì người ta đưa mình. Nếu ăn mà không biết lựa chọn người ta bảo là “ăn tạp” (đấy là chưa nói trong cái đống tạp nhạp đó nhiều khi còn có thứ bẩn vì người ăn còn không biết mình ăn những gì cơ mà), ăn tạp lâu ngày có nguy cơ bội thực hoặc có vấn đề về tiêu hóa. Trong lĩnh vực tâm hồn, người ta không bảo là bội thực mà người ta bảo rằng: “nó làm nghèo chúng ta đi”. Bởi cái thỏi rởm đời sĩ diện chạy theo trào lưu để bằng chị bằng em làm chúng ta phải nhồi vào đầu những thứ rác rưởi vớ vẩn mà dễ dàng bỏ qua một gia tài văn chương thuần khiết mà chính mỗi người cũng mơ hồ về chúng…

Người Áo Lam

----------

(1) Bản 2005: Pride and Prejudice, diễn viên Keira Knightley và Matthew Macfadyen

(2) Bản 1995: Kiêu hãnh và định kiến, phim truyền hình với diễn viên Jennifer Ehle và Colin Firth, do Andrew Davies chuyển thể