Bối cảnh xã hội của truyện Jane Austen

Jane Austen được xem là nhà văn đã mang đến cho nền tiểu thuyết tính cách hiện đại độc đáo qua văn phong hài hước để phê phán thói hư tật xấu trong đời thường của xã hội Anh quốc vào thời đại của tác giả. Các nhà phê bình văn học ca ngợi tiểu thuyết của tác giả về giá trị đạo đức lẫn tính chất giải trí; họ cũng yêu mến việc tả chân cá tính con người và đánh giá cao tính hiện thực giản đơn. Những phong cách này đem đến cho người đọc một thay đổi sảng khoái so với cách viết cường điệu lãng mạn đang thịnh hành thời bấy giờ. Trong khi nền tiểu thuyết của Anh quốc phát sinh vào đầu thế kỷ 18, các tác phẩm của Jane Austen tạo ra không khí mới mẻ qua việc tả chân những con người trung bình trong những bối cảnh thông thường.

Đặc biệt, Jane Austen đã dựng lên bộ khung khôi hài của giới trung lưu Anh quốc vào thời đại của mình, mở đầu xu hướng cho nền “tiểu thuyết gia đình” khi xói vào cung cách, nhân phẩm, và sự căng thẳng giữa các nhân vật nữ và xã hội mà họ đang sống. Jane Austen đã thoát khỏi mô-típ văn học thời đại cô sống, vốn vẫn đưa ra nhân vật nữ luôn có đức độ, truyện tình luôn thơ mộng, và những sự kiện ngẫu nhiên gây đột biến cho câu chuyện. Đặc điểm này đã khiến tiểu thuyết của tác giả có mối tương quan gần gũi với thế giới đương đại hơn là những truyền thống của thế kỷ 18.

Để thấu hiểu ý nghĩa văn học trong tác phẩm của Jane Austen, có lẽ nên nhìn qua bối cảnh chung. Vào thời của tác giả, phụ nữ không có mấy cơ may thăng tiến trong xã hội Anh quốc: những nghề chuyên môn, các đại học, giới chính trị, quân ngũ... đều khép kín đối với phụ nữ. Nhiều cô ít được đến trường, mà chủ yếu được cha mẹ hoặc gia sư dạy học ở nhà (tác giả cũng thế). Một số ít ngành nghề phụ nữ có thể tham gia (như nhận chân dạy học cho trẻ em và sống cùng gia chủ) thì không được coi trọng. Phụ nữ con nhà “gia giáo” chỉ có thể mong được vị thế xã hội tốt qua việc hưởng thừa kế hoặc qua hôn nhân.

Nhưng việc thừa kế bị ràng buộc bởi quy định theo một thứ tự đã được định trước cho từng người trong gia tộc, vào thời gian này ở Anh quốc chỉ dành cho nam giới. Khi người đàn ông gia trưởng đang giữ quyền thừa kế qua đời, toàn bộ bất động sản sẽ được chuyển giao cho người đứng đầu trong thứ tự thừa kế ở thời điểm đó (tương tự như thứ tự lên ngôi của các hoàng tử Anh); phụ nữ thường chỉ nhận thừa kế những đồ dùng trong nhà, cùng lắm là một khoản tiền nho nhỏ. Sau khi người anh cả nhận thừa kế làm chủ tất cả đất đai, trang trại, biệt thự..., các em trai phải đi kiếm nghề để tự nuôi sống: buôn bán, làm luật sư, thầy giáo, ứng cử vào Nghị viện, gia nhập quân ngũ, gia nhập giáo hội, v.v...

Mục đích của quy định thừa kế theo thứ tự nhằm tránh chia manh mún tài sản sau mỗi lần thừa kế, nhưng đó lại là nỗi ám ảnh của các bà mẹ có con gái. Họ thấy rằng chỉ còn con đường duy nhất để đảm bảo tương lai cho con gái (và các con gái thứ): lấy chồng giầu! Do vậy mà phát sinh mối ưu tư lớn lao của những bà mẹ này. Bà mẹ cô Elizabeth trong Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) chấp nhận ngay anh Collins (là người sẽ thừa kế tài sản của gia đình bà) làm rể tuy rằng chồng bà thấy anh ta là con người lố bịch. Vì quá bị ám ảnh và ưu tư như thế, các bà mẹ trong truyện của Jane Austen không giáo huấn cho con gái nhiều về tình yêu và hôn nhân, với chủ kiến con gái chỉ cần đẹp để lấy chồng giầu!

Cũng vì quy định thừa kế theo thứ tự mà các anh con trai trưởng có vị thế cao, dễ sinh ra cao ngạo, hoặc dễ chịu áp lực gia đình là nên lấy vợ có gia thế tương xứng. Trong quyển Persuasion (Thuyết phục), anh Charles Musgrove cho rằng em gái Henriette nên lấy Charles Hayter bởi vì anh này

là con trai trưởng, khi cha anh ấy qua đời thì anh ấy sẽ được hưởng gia tài... và đến khi thừa kế gia tài anh ấy sẽ biến nó thành một mảnh đất khác hẳn, sẽ sống một cuộc đời khác hẳn, và với bất động sản ấy thì anh ấy sẽ không bao giờ là người thấp kém.

Những bối cảnh và ý tưởng quá thiên về vật chất như thế tạo nên tiền đề cho tác giả châm biếm và cảm thông. Thế nên khi bà mẹ cứ ngỡ cô con gái lớn Jane sẽ lấy được anh Bingley giàu có là bà đã “nổ” trong bữa tiệc chiêu đãi có mặt đông đủ nhiều người liên quan:

Những điểm đầu tiên mà bà tự mãn là một anh trai trẻ dễ mến, giầu có, sống cách họ chỉ ba dặm; và rồi thật là điều thoải mái khi thấy hai chị em của anh cũng mến Jane, khi biết chắc là hai cô cũng mong muốn có mối thông gia như bà đã mong. Hơn nữa, đây là việc đầy hứa hẹn cho mấy đứa em, vì hôn lễ của Jane với chàng rể như thế sẽ đẩy mấy đứa đến gần những anh giầu có khác, và cuối cùng, thật là dễ chịu trong đoạn đời này của bà khi có thể giao mấy đứa em còn độc thân cho con chị chăm sóc...

Đến phiên bậc trưởng thượng của các anh con trai trưởng muốn khư khư bảo vệ gia tài dòng họ mình. Trongn truyện Kiêu hãnh và định kiến, Phu nhân Catherine vì mục đích này mà quyết liệt chống đối cuộc hôn phối giữa cháu trai Darcy và Elizabeth, cho rằng cuộc hôn phối như thế sẽ làm “ô uế” tài sản của Darcy!

Trong truyện Sense and sensibility (Lý trí và tình cảm), Bà Ferras còn sắt đá hơn khi ngăn cản con trai trưởng Edward cưới Elinor:

Bà Ferrars chỉ yêu cầu anh ấy chấm dứt việc hẹn ước, và có các dự định phóng khoáng của bà trong trường hợp anh cưới cô Morton... sẽ giao quyền thừa kế bất động sản Norfolk cho anh ấy, đem lại một nghìn [bảng] mỗi năm sau khi đã đóng thuế đất. Khi tình hình trở nên tuyệt vọng, bà tăng lên một nghìn hai trăm. Nếu anh ấy vẫn chống đối mà vương vấn với mối quan hệ hèn kém như thế, bà cho anh biết rõ cảnh cơ hàn đi kèm với cuộc hôn nhân này. Bà bảo sẽ chỉ cho anh ấy hai nghìn bảng; sẽ không bao giờ gặp mặt anh nữa; và từ nay về sau bà sẽ hỗ trợ anh rất ít, đến mức nếu anh ấy có muốn theo đuổi nghề nghiệp nào, bà sẽ sử dụng mọi quyền lực của mình để ngăn cản bước thăng tiến của anh.

(Nhân đây, xin ghi chú: 1 bảng vào thời của Jane Austen bằng khoảng 100 bảng hiện giờ)

Từ tình tiết trên và rải rác trong các tác phẩm khác của Jane Austen, ta thấy rõ giai cấp là vấn đề hệ trọng trong xã hội Anh thời bấy giờ. Bà Ferras muốn anh Edward cưới cô Morton là con gái một tướng công cho môn đăng hộ đối. Trong truyện Kiêu hãnh và định kiến, khi Phu nhân Catherine đặt ra vấn đề môn đăng hộ đối, Elizabeth bắt buộc phải phân giải:

Anh ấy [Darcy] là một người quý phái, tôi là con gái của một ông bố quý phái; cho đến lúc này chúng tôi ngang bằng nhau.

Nhưng Phu nhân vẫn chưa hài lòng, nói:

Đúng. Cô là con gái một người cha quý phái. Nhưng mẹ cô là ai? Ông cậu và bà dì của cô là ai? Đừng tưởng tôi không biết gì về hoàn cảnh của mấy người.

prideandprejudice

Ảnh: film Kiêu Hãnh và Định Kiến

Con gái chưa chồng còn phải chịu nhiều hạn chế do phong tục thời ấy: muốn cưỡi ngựa phải có gia nhân cưỡi ngựa đi theo (lại thêm chi phí!), khi đi xa nếu không có bậc trưởng thượng thì phải có người bảo mẫu có tư cách tốt để kèm cặp, không được viết thư cho chàng trai nào khi chưa hẹn ước... Và đã là con gái nhà gia giáo thì chỉ học văn chương, nghệ thuật, nữ công... trong khi chờ hôn nhân!

Cuộc sống trong giới trung lưu (thường là địa chủ) còn phiền toái ở chỗ, vì không phải làm lụng nhiều, các gia đình trung lưu thường tổ chức họp mặt, dạ vũ, dã ngoại... rồi chuyện phiếm với nhau, từ đấy hay bàn tán cợt đùa về chuyện riêng tư lẫn nhau. Hậu quả là các cô gái chưa chồng phải chịu thêm sức ép của dư luận vốn rất bảo thủ trong xã hội chủ yếu còn sống về nông nghiệp. Có lẽ vì thế mà Jane Austen lúc còn sống không muốn đề tên mình trên các tác phẩm, vì với cách châm biếm thói đời, cô khó có thể được yên ổn với xã hội chung quanh nếu tung tích bị tiết lộ!

Cũng là con nhà trung lưu gia giáo, Jane Austen hẳn phải thấm thía với thân phận của phụ nữ như thế, nên đã dựng nên những mẫu người mà các nhà phê bình văn học gọi là “nữ anh hùng”. Đấy là những cô gái trẻ thuộc gia đình hoặc có vật chất kém hoặc rất giầu, nhưng có điểm chung là cứng cỏi hoặc ương ngạnh, không màng đến các anh trai trẻ giầu sang hoặc bất chấp những lễ nghi và thành kiến, muốn biểu hiệu là chính mình: tự chủ – ngay cả kiêu hãnh và ngang bướng – đến mức như ta nói bây giờ là “có cá tính”! Có người trở nên phóng khoáng, sống cho tình cảm của mình chứ không muốn gượng ép theo “đất lề quê thói”, cứ khăng khăng làm theo ý mình chứ không phải lo tìm kiếm hôn nhân giầu sang cho bằng được, dù bà mẹ có gây sức ép hoặc có phiền hà! Trong tình yêu, các cô được hướng dẫn bảo ban rất ít, nên phải tự khám phá, rồi tự hành xử mà giải quyết vấn đề của riêng mình.

Điều tốt đẹp sau cùng của những “nữ anh hùng” này là họ cũng vấp ngã, nhưng cũng biết nhìn nhận lầm lỗi của mình và tha thứ cho lầm lỗi của người khác.

Tóm lại, qua các tác phẩm của Jane Austen, người đọc có thể nhận ra những mẫu người “trần thế”, không tuyệt vời mà cũng không tồi tệ, nhưng phức tạp, trong bối cảnh tình yêu và lãng mạn bị chi phối bởi kinh tế và bản chất thật của con người, qua đấy họ thể hiện “tài” và “tật” mà gia đình và xã hội đã góp phần đúc khuôn họ.

(Diệp Minh Tâm)