THUYẾT PHỤC – mỗi ngày một quyển sách VTV

Bài giới thiệu của chuyên mục mỗi ngày một quyển sách VTV ở địa chỉ http://www.moingay1cuonsach.com.vn

Câu chuyện xoay quanh cô Anne Elliot, con gái thứ hai của Tòng nam tước Walter Elliot, bị ông bố và chị khinh rẻ (có ý kiến so sánh như là Cinderella!). Tám năm về trước, Anne và anh Wentworth tha thiết yêu nhau trong khi anh này còn nghèo, không có gia sản, chưa có sự nghiệp. Vì nghe theo lời thuyết phục của Phu nhân Russell, người đóng vai trò mẹ đỡ đầu của cô, cho rằng Wentworth không xứng đáng, Anne cắt đứt quan hệ tình cảm với Wentworth. Bây giờ, Wentworth trở về sau khi hòa bình được tái lập, trong tư cách một đại tá với chiến công hiển hách và một gia sản to tát nhờ tiền thưởng trong cuộc chiến. Cùng lúc, ông bố đang lâm vào cảnh nợ nần do chi tiêu phung phí. Trong khi ấy, người thừa kế tài sản và tước vị của Ngài Wentworth là anh Elliot bắt lại mối quan hệ với gia đình ông và có ý muốn cưới Anne. Liệu Anne sẽ bị thuyết phục bởi viễn cảnh làm Phu nhân một tòng nam tước và cũng là bà chủ một gia sản to tát, hay cô lại bị Phu nhân Russell thuyết phục nhầm lẫn, hay cô sẽ thuyết phục anh Wentworth kiềm chế sự ghen tị và mặc cảm đối với anh Elliot mà nối lại cuộc tình?

THUYETPHUC

Trong truyện này, đặc biệt tác giả xói mạnh vào giới quý tộc, mà biểu trưng là Ngài Walter với thói phù hoa lên đến cao độ. Vì thói phù hoa như thế mà ông chi li trong việc chọn người thuê nhà cho xứng với địa vị của mình: người thuê là Đô đốc thì nghe hay hơn là “Ông” được gọi một cách trống trơn. Rồi khi nghe vị Đô đốc này đến đi đến thị trấn nơi mình đang ở nhà thuê thì Ngài Walter xét xem Đô đốc có ở nơi tương xứng với mình hay không rồi mới quyết định có nên gặp gỡ hay không! Đến cô con gái của ông cũng lây bệnh phù hoa của bố: sau khi gia đình cho thuê nhà rồi hai bố con đi ở thuê nơi khác, vợ chồng em gái từ xa đến mà chị cảm thấy khó xử vì e họ thấy số người hầu bàn ăn kém hơn trước!

Khi xói vào giới trung lưu thì Persuasion cũng mạnh mẽ hơn các tác phẩm trước của Jane Austen. Dựa theo những nhận xét sơ khởi của Anne, tác giả dùng những từ ngữ miêu tả anh Elliot như “thanh nhã”, “dung dị”, “nhậy cảm”, “nhận thức sáng suốt”, “dễ mến”, “ăn nói giỏi”, “ý kiến hay”, “đúng lý”, “có nguyên tắc”, “thận trọng”, “lịch sự”...; rồi Anne đâm ra hồ nghi vì anh “quá dễ mến”; rồi dần dần sự thật về con người anh bộc lộ: “đạo đức giả”, “gian xảo”, “tráo trở”, “giả tạo”, “vô ơn”, “vô nhân tính”, “ích kỷ”, “vô cảm”, “tàn nhẫn”, “lừa dối”. Còn ngôn từ nào khác để nêu bật hơn vẻ bề ngoài tốt đẹp trái ngược với bản chất thật?

Bối cảnh xã hội–lịch sử

Câu chuyện diễn ra sau khi nền hòa bình vừa được tái lập, chấm dứt những trận chiến mà Anh quốc tham gia chống lại nước Pháp dưới triều Hoàng đế Napoléon trong giai đoạn 17991803-1815. Các nhân vật trong truyện: Đô đốc Walter và các Đại tá Wentworth, Harville và Benwick vừa trở về nước sau cuộc chiến. Đô đốc Croft đã tham gia trận Trafalgar, là trận đánh nổi tiếng diễn ra giữa hải quân Anh dưới quyền Đô đốc Nelson và hải quân Pháp-Tây Ban Nha ngày 21/10/1805, ở ngoài khơi Mũi Trafalgar, vùng biển phía nam Tây Ban Nha, mang lại chiến thắng vang dội cho Anh. Trong cuộc chiến vào thời này, khi sĩ quan hải quân Anh lập chiến công (kể cả công đánh bắt hải tặc) thì được nhận phần thưởng vật chất khá hậu hĩnh, nên người có nhiều chiến công trở nên giàu có. Nhờ những chiến công như thế, Đại tá Wentworth có tài sản lên đến ít nhất hai mươi nghìn bảng, là số tiền lớn, nếu ta biết rằng 1 bảng vào thời ấy bằng 100 bảng bây giờ.

Một trong những sắc thái xã hội thường được đề cập trong các tác phẩm của Jane Austen, kể cả Persuasion, là việc thừa kế theo thứ tự. Đây là hệ thống bị ràng buộc theo một thứ tự đã được định trước cho từng người trong gia tộc, vào thời gian này ở Anh quốc chỉ dành cho nam giới. Mục đích chính của quy định thừa kế theo thứ tự nhằm tránh chia manh mún tài sản sau mỗi lần thừa kế. Khi người đàn ông gia trưởng đang giữ quyền thừa kế qua đời, toàn bộ bất động sản sẽ được chuyển giao cho người đứng đầu trong thứ tự thừa kế ở thời điểm đó (tương tự như thứ tự lên ngôi của các hoàng tử Anh); phụ nữ thường chỉ nhận thừa kế những đồ dùng trong nhà, cùng lắm là một khoản tiền nho nhỏ. Vì người anh cả nhận thừa kế làm chủ tất cả đất đai, trang trại, biệt thự..., các em trai phải lo kiếm nghề trước để tự nuôi sống: buôn bán, làm luật sư, thầy giáo, ứng cử vào Nghị viện, gia nhập quân ngũ, gia nhập giáo hội, v.v... Một hậu quả của việc này là các anh con trai trưởng có vị thế cao hơn nhiều so với các em của mình. Trong truyện Persuasion, anh Charles Musgrove cho rằng em gái Henrietta nên lấy Charles Hayter vì lý do chủ yếu anh này là con trai trưởng! Một hậu quả khác là chỉ còn con đường duy nhất để đảm bảo tương lai cho người con gái: lấy chồng giầu! Do vậy mà phát sinh mối ưu tư lớn lao của những bà mẹ có con gái, đến nỗi các bà mẹ trong các truyện trước của Jane Austen không giáo huấn cho con gái nhiều về tình yêu và hôn nhân, với chủ kiến con gái chỉ cần đẹp để lấy chồng giầu! Riêng trong truyệnPersuasion, Ngài Walter yêu mến cô con gái lớn Elizabeth chủ yếu vì cô đẹp hơn hai em gái, qua đấy hy vọng cô lấy được người xứng với tiêu chí phù hoa của ông.

Điểm đặc biệt khác trong truyện Persuasion là tính cách giai cấp khá rõ rệt, đặc biệt là giai cấp quý tộc. Ngài Walter Elliot là tòng nam tước, là tước vị của giai cấp quý tộc bậc thấp, đứng dưới nam tước và đứng trên hiệp sĩ. Ông phục vụ triều đại Charles II (1630-1685), là vua trị vì nước Anh, kiêm vua Scotland và Ireland trong giai đoạn 1660-1685. Tuy là quý tộc bậc thấp, thói phù hoa của ông lại lên đến cao độ, được thể hiện ở chỗ ông không đọc quyển sách gì khác nhưng vẫn luôn trân trọng quyển Danh bạ Nam tước (nguyên văn “Baronetage”) mà Deirdre Le Faye trong quyển Jane Austen: The World of Her Novels cho rằng có lẽ đây là quyển Baronetage of England (Danh bạ Nam tước của Anh quốc), xuất bản làm 2 tập năm 1808. Vì tử tước cao hơn tòng nam tước của Ngài Walter hai bậc, ông này rất thiết tha muốn tiếp cận và củng cố mối giao tiếp với Phu nhân Dalrymple, vốn là chị họ của ông.

Hai nhà quý tộc chính khác trong truyện là Phu nhân Russell, vợ góa của một hiệp sĩ, và Phu nhân Dalrymple, vợ góa của một tử tước. Mỗi dòng họ quý tộc có một huy hiệu riêng, được in trên giấy viết thư của dòng họ, được gắn trên cỗ xe, thêu trên lá cờ treo trước ngôi gia cư... Mỗi dòng họ quý tộc có chế phục riêng, tức trang phục với mầu sắc và kiểu dáng đặc trưng; riêng gia nhân của mỗi dòng họ quý tộc cũng có chế phục đặc trưng, nên người có hiểu biết nhìn gia nhân có thể nhận ra dòng họ chủ nhân. Nhưng khi nhà quý tộc để tang thì gia nhân cũng để tang theo, và tất cả không mặc chế phục mà mặc trang phục đơn giản mầu đen. Chính vì thế mà Mary khi trông thấy anh Elliot đang để tang thì không nhận ra anh.

Ngoài giới quý tộc, giới địa chủ thường được thể hiện trong các tác phẩm của Jane Austen, biểu trưng trong truyện Persuasion là gia đình Musgrove. Vị thế của một người trong xã hội không phải dựa trên nghề nghiệp, mà là dựa trên giai cấp. Chính vì thế mà Mary đặt ra vấn đề ưu tiên theo vị thế: cô cho rằng vì mình là con gái của một tòng nam tước nên có vị thế cao hơn bà mẹ chồng Musgrove vốn chỉ là dân thường, do đó trong cách hành xử (như thứ tự khi đi vào phòng họp mặt, vị trí ngồi ở bàn ăn…) cô phải được ưu tiên hơn bà Musgrove! Thế mà người trong gia đình bà Musgrove chỉ nhỏ nhẹ nói “cô ấy đừng cố chấp như thế”, tức mặc nhiên chấp nhận sự khác biệt với giai cấp chứ không trách cô con dâu xấc xược! Cũng cô em út này cứ lo lắng nếu chị Anne của mình cưới một nhà quý tộc thì mình sẽ mất vị thế! Mà vị thế này được thể hiện qua từng việc nhỏ nhặt. Chẳng hạn, Elizabeth vì là con gái của một nhà quý tộc, nên ở những buổi hội họp trong vùng cô tháp tùng ngay theo sau Phu nhân Russell, tức là cô có vị thế thứ hai (thay mặt cho ông bố), chỉ kém Phu nhân Russell.

Việc thừa kế tước vị cũng đi đôi với việc thừa kế gia sản theo thứ tự. Vì thế, anh Elliot vốn là người thừa kế của Ngài Walter, sẽ trở thành tòng nam tước khi ông qua đời, và vợ anh sẽ được gọi là Phu nhân. Trong một thời gian ngắn, cương vị Phu nhân và là bà chủ của tất cả bất động sản cho bố cô để lại không phải là thiếu hấp dẫn đối với Anne.

Tác giả nhắc đến chế độ phong kiến, nhưng nên hiểu rằng vào thời này ở Anh quốc là chế độ trong đó địa chủ là các nhà quý tộc, cho nông dân thuê đất và chăm lo đời sống của họ, đổi lại nông dân có nghĩa vụ làm việc cho địa chủ. Vì thế, “phong kiến” trong bối cảnh này không có nghĩa xấu. Biết được như thế, ta mới hiểu tại sao anh Elliot ủng hộ Ngài Walter mà không muốn thay đổi chế độ này.