Emma đi tìm hạnh phúc

emma-jane-book-club(Emma, tiểu thuyết của Jane Austen, Diệp Minh Tâm dịch từ tiếng Anh, Nxb Hội Nhà Văn, 2008).

Đây là cuốn tiểu thuyết thứ tư và là cuốn cuối cùng được xuất bản khi nữ văn sĩ Anh Jane Austen (1775 – 1817) còn sống. Emma (in năm 1815), cùng ba tiểu thuyết trước đó: Sense and Sensibility (1784), Pride and Prejudice (1796-97) và Mansfield Park (1814) khi xuất bản đều không ghi tên tác giả, để là vô danh, vì thành kiến của xã hội đương thời đối với phụ nữ viết văn. Mãi khi nhà văn qua đời, tên thật của bà mới được xuất hiện trên tác phẩm của mình. Emma được in 2000 bản và sau bốn năm vẫn còn 563 cuốn tồn đọng. Sinh thời Austen chỉ thu được chưa đến bốn mươi bảng từ cuốn sách này. Vinh quang đến về sau đối với nhà văn. “Khoảng ba thập kỷ sau khi tác giả qua đời, công luận thế giới bắt đầu có nhận xét nghiêm túc và nồng nhiệt hơn, và từ bấy giờ đến nay Jane Austen đều được đánh giá như là một trong những tác giả tiểu thuyết đặc sắc nhất của nền văn học Anh quốc. Nhiều câu lạc bộ của những người yêu thích Jane Austen đã được thành lập ở Argentina, Australia, Nhật, Mỹ...và dĩ nhiên là ở Anh quốc” (Lời giới thiệu của dịch giả).

Tiểu thuyết Emma được gọi là “câu truyện bí ẩn không có sự giết người”. Nhân vật chính là Emma Woodhouse, một cô gái “xinh xắn, thông minh và giàu có”. Mẹ mất sớm, chị gái Isabella lấy chồng, rồi chị quản gia Taylor cũng lấy chồng, Emma ở lại nhà với ông bố. Cô kết bạn với Harriet, một cô gái hiền lành đáng thương, không rõ nguồn gốc (thực ra đến cuối truyện mới hay Harriet có bố mẹ là người giàu có). Emma quyết tâm cải tạo phong thái và vị thế cho Harriet, và với bản tính thích mối lái, Emma đã làm các trò gán ghép Harrriet với các chàng trai, nhưng rốt cuộc đều “xôi hỏng bỏng không”, gây ra nhiều sự trớ trêu cả cho mình. Nhưng truyện kết thúc có hậu với đám cưới của cả Harriet và Emma.

Jane Austen viết truyện bằng giọng điệu hài hước, mô tả cuộc sống của xã hội Anh đương thời thông qua những gia đình trung lưu, với chủ yếu những nhân vật nữ là những cô gái có cá tính, muốn khẳng định bản thân mình, muốn được sống với tình cảm thật của mình. Do vậy, tác giả chú trọng đến nhân vật nhiều hơn là cốt truyện. Emma, cũng như các tiểu thuyết khác của Austen, xét về thể loại là nằm giữa romance và novel, nó thuộc thời kỳ đầu của tiểu thuyết Anh đi về phía chủ nghĩa hiện thực. Các nhân vật của bà đời thường hơn các công nương quý tộc thời trước, họ vấp phải những vấn đề của cuộc sống thường ngày và ứng xử thường tình hơn các mẫu nhân vật quý tộc, phong kiến.

Emma cũng đã được chuyển thể thành công lên màn bạc và sân khấu, như hai tác phẩm trước của Austen. Bản Việt ngữ của Emma được dịch cẩn thận, nghiêm túc, có bản tên nhân vật và địa điểm cũng như các chú thích tên gọi giúp người đọc dễ cảm nhận tác phẩm.

Thạch Linh