Thư gởi JBC của dịch giả Diệp Minh Tâm

Thưa các bạn ngày 13/07/2009 tôi nhận được một email từ dịch giả Diệp Minh Tâm phản hồi về vấn đề dịch thuật các tác phẩm của Jane Austen. Phải nói đây là một tín hiệu vui vì JBC được sự quan tâm đóng góp ý kiến của chính dịch giả Diệp Minh Tâm. Sau khi xin phép tôi đăng tải toàn bộ bức thư. Bài viết thể hiện quan điểm của dịch giả Diệp Minh Tâm mời các bạn xem. 

Gửi: Anh Lý Minh Triết

Được anh kêu gọi, tôi xin gửi đến ít ý kiến sau, để giúp người đọc hiểu Jane Austen hơn.

Trân trọng cảm ơn,

Diệp Minh Tâm

=====

Nhân được xem qua, chủ yếu trên các trang blog, một số phê phán việc dịch thuật, người dịch xin có đôi điều giải trình.

Trong việc dịch sách văn học, tôi có chủ định duy trì văn phong của tác giả nguyên bản, chỉ chỉnh sửa chút ít cho câu văn đỡ lê thê (như ngắt một đoạn dài thành 2, 3 đoạn ngắn hơn) hoặc đôi chỗ thêm ít tình tiết cho ý nghĩa thêm sáng tỏ, nhưng tôi không muốn chuyển thể qua Việt ngữ cho thật sáng tỏ, rành mạch, dễ hiểu. Làm thế thì quá đơn giản! Nhưng làm thế thì qua bản dịch, Jane Austen sẽ không còn là Jane Austen nữa, mà đó là lối văn phổ thông của người Việt kể lại các tình tiết của câu chuyện. Hơn nữa, tôi không muốn chuyển những từ ngữ lạ lẫm trong văn học thành từ ngữ thông dụng đời thường. Như thế sẽ làm cho tiếng Việt nghèo nàn đi trong khi tiếng Việt ta rất phong phú.

Chính bản thân một số người Anh-Mỹ với Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ cũng nói họ thấy văn phong Jane Austen là khó đọc! Nhưng đó là sắc thái đặc thù trong văn chương mà người đọc cần chấp nhận. Thiết tưởng người đọc cần trải lòng ra để ghi nhận, thưởng thức sắc thái văn học của tác giả, chứ không nên nôn nóng đọc nhanh để theo dõi cốt chuyện. Jane Austen viết vừa dài dòng phức tạp đoạn này vừa khá cô động đoạn khác trong cách hành văn của thế kỷ 18, đầy ẩn ý, phần sau lại kết nối ngắn gọn với phần trước, mà người đọc cần theo dõi sát sao mới nhận ra ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Đọc lướt nhanh thì dễ cảm thấy từ ngữ, câu cú của Jane Austen là khó hiểu. Người đọc cần chậm rãi vừa đọc vừa suy ngẫm mới nhận ra uẩn khúc trong tâm tư các nhân vật, ý châm biếm của tác giả, v.v... Khi đọc đi đọc lại, dần dà người đọc sẽ nhận ra sự đa dạng của từ ngữ và văn phong, cũng đa dạng như màu da, bản tính, cách hành xử... của con người. Ví dụ, khi bàn về các món ăn trên thế giới, nếu ta nói món này dở và món kia ngon là ta theo một khía cạnh, còn nếu nói về sự khác biệt giữa các hương vị thì là khía cạnh khác. Mở rộng thêm, nếu nói về đặc tính văn hóa hoặc nhân chủng học trong các món ăn thì lại là cảm nhận khác. Và cảm nhận như thế chỉ đạt được khi ta nhấm nháp lai rai món ăn thay vì “nếm thử” qua loa!

=====

Minh Triết